Kurt Hahn
Cha đẻ của UWC
Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất tới giáo dục toàn cầu trong thế kỉ 20, Hahn được sinh ra tại Đức trong một gia đình Do Thái. Hahn học tập tại Đức và Oxford trước khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra khiến ông phải trở lại Đức. Mối quan tâm của ông tới giáo dục bát đầu hình thành sau khi ông chứng kiến những tàn phá do chiến tranh để lại. Với sự giúp đỡ của Hoàng tử Max von Baden, Thủ tướng cuối cùng của Đế quốc Đức, Hahn thành lập ra trường Salem School ở Đức, dựa trên nền tảng tôn trọng cho từng cá nhân, trách nhiệm với cộng đồng và nhận thức về quá trình dân chủ. Năm 1933, ông chạy tới Anh sau khi phát biểu chống lại Đức Quốc xã, và thành lập trường Gordonstoun School ở Scotland dựa trên 4 trụ cột: Toàn cầu hóa, Thách thức, Trách nhiệm và Phục vụ.
Hahn là một trong những người chủ chốt trong việc thành lập Outward Bound Organization, Giải thưởng Bá tước xứ Edinburgh, và thành lập phong trào UWC năm 1962 với Atlantic College. Năm 1958, khi tham gia một hội nghị của các phái viên quân sự NATO, ông được truyền cảm hứng khi thấy sự hợp tác giữa các thành viên vốn là đối thủ của nhau trước đây trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Hahn tin rằng nếu như có thể cùng nhau giáo dục các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, những xung đột trên thế giới sẽ được ngăn chặn. Từ suy nghĩ về sức mạnh của giáo dục trong việc thay đổi thế giới này, phong trào UWC đã được sinh ra, với sứ mệnh đưa giáo dục trở thành nguồn lực để đoàn kết mọi người, các quốc gia và các nền văn hóa cho hòa bình và một tương lai ổn định.
Năm 1962, trường UWC đầu tiên, Atlantic College được thành lập ở Wales.
Hahn mất tại Đức năm 1974. Trong lời mở đầu của cuốn Britain’s Dictionary of National Biography gọi ông là “hiệu trưởng và công dân của toàn nhân loại”. Những di sản của ông những đóng góp quan trọng nhất trong ngành giáo dục quốc tế.
“Tôi cho rằng đó là nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục nhằm đảm bảo sự sống còn của những giá trị sau: sự gan dạ ham học hỏi, sự kiên trì theo đuổi, sự sẵn sàng cho việc hy sinh có ý thức, và trên tất cả, lòng trắc ẩn”