HÀNH TRÌNH AKWAABA - LIỀU NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
“LIỀU không có nghĩa là không sợ, LIỀU là có đủ can đảm để vượt qua nỗi sợ bạn có.”
Đối với những người quan tâm đến giáo dục, Nguyễn Quang Tùng có lẽ không phải là một cái tên quá xa lạ. Tùng là học sinh trường Liên kết Thế giới UWC Changshu tại Trung Quốc khóa học 2016-2018, và hiện đang theo học ngành Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế tại Macalester University, Hoa Kỳ. Trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 vừa rồi, Tùng đã thực hiện thành công Hành trình Akwaaba, một chuyến đi xuyên Việt với sứ mệnh truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Hãy cùng UWC Việt Nam tìm hiểu thêm về chàng trai này cũng như là hành trình Akwaaba ở bài viết sau đây nhé!
Cái tên Akwaaba được lấy cảm hứng từ một chiến dịch ở quốc gia Ghana, được khởi xướng bởi chính tổng thống nước này với mục đích kêu gọi những người con Châu Phi xa xứ hồi hương và làm giàu cho đất mẹ. Khi ở Ghana, bắt gặp chiếc poster đề dòng chữ “Akwaaba, year of Return”, nghĩa là “Chào mừng con về nhà!”, được truyền cảm hứng từ dòng chữ, những câu chuyện về người trẻ khởi nghiệp ở Ghana và lời chia sẻ từ một bạn học sinh, Tùng quyết định thực hiện cuộc hành trình. Akwaaba - một cuộc hành trình như cá hồi: lội ngược dòng nước, trở về nguồn cội.
Với mong muốn “trao cho những học sinh Việt Nam chưa có nhiều cơ hội khả năng được tưởng tượng, được mơ ước, và được theo đuổi những khả năng vô tận của cuộc sống”, trong vòng 14 ngày, Akwaaba đã đi qua 10 tỉnh thành trên cả nước, gồm Hà Nội, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Đồng Tháp, với tổng 12 sự kiện. Hành trình đã thu hút được gần 700 người đăng ký tham gia và hơn 600 học sinh, phụ huynh và giáo viên; gây quỹ được hơn $2500. Tuy nhiên, thành công đáng tự hào hơn cả là việc Akwaaba đã thực sự truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều bạn trẻ, những người muốn vùng vẫy, muốn “liều” và thực hiện mơ ước. Akwaaba còn cho ta thấy sức mạnh lan tỏa của giáo dục và lòng tốt, rằng điều chân thật xuất phát từ trái tim rồi cũng sẽ đi đến trái tim, rằng đó là cơ sở của sự truyền cảm hứng, của sự học hỏi và tiếp nhận tri thức.
Akwaaba - liều như thế nào cho đúng? Phải nói rằng, Tùng đã liều lĩnh và mạnh dạn xuyên suốt chặng đường hướng cội ấy.Sau 2 năm học trong môi trường UWC Tùng nhận thấy mình là một người may mắn, và học được cách không ngừng đặt câu hỏi. Những giá trị ấy từ UWC cũng thấm nhuần vào hệ giá trị chung của Akwaaba, Tùng may mắn, vì có cơ hội được đi đây đó, được gặp gỡ nhiều người và được truyền cảm hứng. Vì thế, Tùng cho rằng trách nhiệm của mình là chia sẻ sự may mắn đó với mọi người, như một sự trả ơn cho cộng đồng. Chàng trai này không ngừng đặt câu hỏi, vì thế giới quan của mọi người là khác nhau, là cần được tôn trọng, và không hoàn hảo. Cậu chia sẻ: “UWC dạy mình khi tranh luận thì đừng bắt đầu bằng luận điểm mà hãy bắt đầu bằng những câu hỏi. Và mục tiêu cuối cùng là các bạn rời khỏi sự kiện với những câu hỏi về thế giới quan của mình. Khi mình có được cái nhìn đa chiều về quan điểm của mình thì mình sẽ dễ dàng tôn trọng quan điểm của người khác hơn”. Những gì Tùng đã và đang làm chính là đang góp phần lan tỏa giá trị của UWC: “For peace and a sustainable future”.
Ghé thăm blog của Tùng và tìm hiểu thêm về Hành trình Akwaaba tại: https://www.facebook.com/AkwaabaTung/